Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh cùng thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ. Về phía khách mời có ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp.

Tạo dấu ấn đặc biệt trong công tác xây dựng thể chế
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐ-TBXH đã tập trung thực hiện tốt đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cụ thể, đã tham mưu, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 27 – NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương (phần khu vực doanh nghiệp) và Nghị quyết số 28 – NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đây là những quyết sách quan trọng, đặt nền tảng thể chế về lĩnh vực lao động – việc làm cho giai đoạn lâu dài về sau.
IMG-3045.JPG
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá công tác xây dựng thể chế là một trong những thành tựu nổi bật của Bộ
Bộ đã trình Quốc hội ban hành 03 luật, bao gồm: Luật Trẻ em năm 2016, Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 40 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 119 Thông tư và trình thông qua 04 Công ước quốc tế.
Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua là dấu ấn lịch sử trong công tác xây dựng thể chế của Bộ, ngành, góp phần đổi mới quan hệ lao động bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế về lao động.
IMG-2825.JPG
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị
Ông Bùi Sỹ Lợi– Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá đây là một nhiệm kỳ thành công của Bộ LĐ-TBXH, niềm tin của nhân dân về đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hôi, thực hiện chính sách người có công được đánh giá tốt.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, 2 lĩnh vực nổi bật phải kể đến trong giai đoạn qua là công tác xây dựng thể chế và đột phá trong lĩnh vực người có công với việc giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công và công tác chống tiêu cực, trục lợi trong thực hiện chính sách người có công cũng được triển khai quyết liệt.
Người dân được thụ hưởng đầy đủ, tốt nhất những thành tựu kinh tế
Nhìn lại năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020 trong công tác xây dựng thể chế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá đây là một trong những thành tựu nổi bật của Bộ đã được tổng kết tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Lao động, Người có công và Xã hội năm 2021.
IMG-3012.JPG
Toàn cảnh Hội nghị
Chúng ta đã giải quyết căn bản những nội dung, công việc đặt ra cho cả nhiệm kỳ, góp phần hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội; tạo cơ sở, nền tảng pháp lý quan trọng cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, đáp ứng sự phát triển đặc thù và sát sườn của ngành với đời sống người dân.
“Việc hoàn thiện thể chế đã góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương của Đảng là phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, để người dân được thụ hưởng một cách đầy đủ, tốt nhất những thành tựu kinh tế và thực hiện tốt Điều 34 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh
Lấy dẫn chứng về Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Luật Lao động năm 2012 chỉ tác động tới nhóm đối tượng 20 triệu lao động có quan hệ lao động. Nhưng với Bộ Luật Lao động 2019, phạm vi tác động tới hơn 54 triệu lao động, bao gồm cả đối tượng không có quan hệ lao động.
Hệ thống chính sách tiền lương khu vực sản suất, kinh doanh được tiếp tục hoàn thiện theo cơ chế thị trường; tiền lương được hình thành trên cơ sở thỏa thuận thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động trên cơ sở không được thấp hơn mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu của người lao động đã được Chính phủ ban hành. Hay vấn đề tổ chức đại diện người lao động, điều chỉnh tuổi hưu, giải quyết tranh chấp lao động…đã được xử lý tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội.
IMG-3094.JPG
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu kết luận tại Hội nghị
Bộ trưởng khẳng định, việc xây dưng thể chế giai đoạn qua không chỉ đáp ứng yêu cầu của người dân, của phát triển thị trường lao động, giải quyết các vấn đề bức xúc, còn tồn đọng mà còn mở đường cho chúng ta tiến ra hội nhập, phù hợp với tiến bộ, văn minh và các cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, Dự án về Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) là những nhiệm vụ xây dựng thế chế lớn đã được Bộ LĐ-TBXH thực hiện thành công. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc xây dựng dự thảo Pháp lệnh là quá trình đấu tranh về tư tưởng, thực hiện chính sách "Tất cả người có công với cách mạng và thân nhân đều được hưởng chính sách theo quy định".
Việc thông qua các Công ước 98 và 105 liên quan tới lao động đã mở đường cho Việt Nam trong đàm phán việc gia nhập các Hiệp định thương mại quốc tế như EVFTA và CPTTP.
Từ những kết quả trên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bài học rút ra trong xây dựng thể chế đó là kiên định mục tiêu, nguyên tắc, điều kiện đã đặt ra nhưng phải có phương pháp, cách thức giải quyết vấn đề một cách hài hoài. Cùng với đó, người đứng đầu các đơn vị phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, tạo sự đồng thuận trong phối hợp giữa các đơn vị.
Nhấn mạnh mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021-2025 là phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị mục tiêu trước mắt trong công tác xây dựng thể chế cần tập trung vào Luật bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng lưu ý, Luật bảo hiểm xã hội phải thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, mở rộng diện bao phủ, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đa dạng, linh hoạt theo hướng hiện đại, có thể tiếp cận được với mọi đối tượng người dân. Đặc biệt là phát triển bảo hiểm xã hội khu vực phi chính thức. “Vì nền tảng của trụ cột an sinh là bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý về chuẩn nghèo mới, nghị định về sửa đổi về chính sách xã hội, nghị định về người có công với cách mạng, nghị định về tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, đề án tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW, các nghị định liên quan tới Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)…
Nguồn: molisa.gov.vn